Kỳ thi V-SAT được triển khai dựa trên nhu cầu thực hiện tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp với việc áp dụng các kỹ thuật đo lường và khảo thí hiện đại để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ứng dụng mạnh CNTT trong tổ chức thi.
Kỳ thi do Đại học Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục, trực thuộc Cục Quản lý chất lượng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (Gọi là Trung tâm Khảo thí quốc gia). Vai trò phối hợp như sau:
– Đại học Thái Nguyên: chủ trì tổ chức thi, chuẩn bị các điều kiện theo quy định hiện hành; chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ thi; thông báo cho thí sinh đăng ký dự thi và tổ chức coi thi; công bố kết quả thi; sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.
– Trung tâm Khảo thí quốc gia (KTQG): Thực hiện dịch vụ cung ứng cho các trường NHCHT, phần mềm tổ chức thi; hỗ trợ việc thiết lập hệ thống thi và hỗ trợ vận hành phần mềm tổ chức thi (trực tiếp hoặc trực tuyến); không tham gia tổ chức thi.

1. Đặc trưng của bài thi V-SAT

– Nội dung thi bám sát Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành, có tính phân loại cao.
– Ngân hàng câu hỏi thi (NHCHT) được xây dựng theo quy trình khoa học, áp dụng các lý thuyết và kỹ thuật hiện đại của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục bảo đảm có độ tin cậy và độ giá trị.
– NHCHT có số lượng câu hỏi, số tiểu mục câu hỏi thi lớn bảo đảm khách quan và công bằng trong đánh giá.
– Kết quả bài thi cho phép báo cáo kết quả chẩn đoán từng cá nhân, cung cấp chi tiết điểm mạnh, điểm yếu của thí sinh để hỗ trợ chọn ngành học phù hợp.
– Hiệu quả trong việc tổ chức triển khai: Hình thức tổ chức thi trên máy tính ngoài ưu điểm tổ chức thi khách quan thì phương thức này còn rất hiệu quả trong khâu tổ chức thi và công bố kết quả, có thể tổ chức thi nhiều đợt tại nhiều địa điểm.
– Quy trình xây dựng NHCHT, quy trình tổ chức thi bảo đảm sự khách quan, bảo mật và hiệu quả. Quá trình tổ chức thi, tạo đề thi được thực hiện ngẫu nhiên qua hệ thống phần mềm, không có sự can thiệp của con người vào việc lựa chọn đề thi. Ngoài ra, quá trình tổ chức thi luôn có sự giám sát của thanh tra đơn vị, với sự phối hợp của công an PA03.

2. Nội dung, hình thức, thời gian thi và lịch thi

– Nội dung thi: Nội dung thi nằm trong Chương trình THPT (có tiếp cận, định hướng theo Chương trình GDPT 2018), chủ yếu là lớp 12 (khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; khoảng 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11).
– Môn thi: Tổ chức thi 07 môn thi độc lập, bao gồm: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lí. Tùy vào mục đích sử dụng kết quả thi, thí sinh được đăng ký dự thi từ 1 đến 7 môn.
– Hình thức thi: Thi trắc nghiệm khách quan theo từng môn thi độc lập trên máy tính.
– Thời gian làm bài môn Toán là 90 phút, mỗi môn còn lại là 60 phút.

– Lịch tổ chức thi năm 2024: ĐHTN tổ chức 04 đợt thi tại Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, cụ thể như sau:

STT Thời gian dự kiến tổ chức thi Ngày thi Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi
1 Tháng 6 (01 đợt thi) Ngày 01-02/6/2024 Từ ngày 05/5/2024 đến ngày 22/5/2024
2 Tháng 7 (02 đợt thi) Ngày 06-07/7/2024 Từ ngày 05/5/2024 đến ngày 28/6/2024
Ngày 27-28/7/2024 Từ ngày 05/5/2024 đến ngày 19/7/2024
3 Tháng 8 (01 đợt thi) Ngày 17-18/8/2024 Từ ngày 05/5/2024 đến ngày 09/8/2024

(Lịch thi có thể điều chỉnh theo tình hình thực tế)

3. Các dạng câu hỏi trong đề thi: 03 dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

3.1. Dạng câu hỏi trắc nghiệm Đúng/Sai:
Câu trắc nghiệm lựa chọn Đúng/Sai thường có định dạng ngoài phần để hỏi, loại câu hỏi này gồm ba cột, một cột là danh sách những câu hỏi và hai cột còn lại là các ô trống để thí sinh dựa vào hiểu biết của mình đưa ra quyết định chọn Đúng hoặc Sai.
Mỗi câu hỏi loại này thường xây dựng 4 – 5 phương án lựa chọn Đúng/Sai.
3.2. Dạng câu hỏi trắc nghiệm Ghép hợp:
Là câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn, ngoài phần để hỏi-phần dẫn, loại câu hỏi này gồm hai cột, một cột là danh sách những câu/ý hỏi và một cột là danh sách các câu trả lời. Dựa trên một hệ thức tiêu chuẩn nào đó định trước, thí sinh tìm cách ghép những câu hỏi của cột này với các câu trả lời ở cột còn lại sao cho phù hợp. Số câu trong hai cột có thể bằng nhau hoặc khác nhau.
Phần để hỏi thường được đặt ở cột bên trái, đánh thứ tự câu/ý hỏi bằng chữ số (1, 2, 3…); phần trả lời được đặt ở cột bên phải, đánh thứ tự bằng chữ cái latin (A, B, C…). Để đảm bảo độ giá trị của câu hỏi và giảm thiểu khả năng đoán mò của thí sinh, số lượng lựa chọn ở cột bên phải thường được thiết kế nhiều hơn, số lượng các câu hỏi ở cột bên trái.
3.3. Dạng câu hỏi trắc nghiệm Trả lời ngắn:
Với câu trắc nghiệm trả lời ngắn, thí sinh được yêu cầu tìm ra câu trả lời của mình, thay vì lựa chọn câu trả lời từ các phương án cho sẵn. Câu trả lời có thể là một từ, một con số, một biểu tượng hoặc một cụm từ, hay cũng có thể là một câu trả lời đơn giản.
Loại câu trắc nghiệm này thường được sử dụng để kiểm tra việc ghi nhớ thông tin, sự kiện quan trọng hoặc những kiến thức, khái niệm cơ bản; kiểm tra kỹ năng thực hiện một nhiệm vụ; kiểm tra năng lực tư duy, suy luận logic; kiểm tra khả năng áp dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề liên quan.

4.Cấu trúc chung các môn thi và cách chấm điểm:

Dạng  câu hỏi Số câu hỏi Số tiểu mục câu hỏi Điểm thô Số câu hỏi theo cấp độ
Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Vận dụng cao
Đúng/ Sai 15 60
(Mỗi câu có 4 tiểu mục)
90 điểm
(1,5 điểm /tiểu mục)
5 5 3 2
Ghép hợp 5 20
(Mỗi câu có 4 tiểu mục)
30 điểm
(1,5 điểm /tiểu mục)
1 2 1 1
Trả lời ngắn 5 5
(Không có tiểu mục)
30 điểm 2 1 1 1
Tổng số 25 85 150 điểm 8 8 5 4

– Cách chấm điểm: Các bài thi được tính điểm theo cả hai cách: điểm thô và điểm năng lực. Điểm thô của một thí sinh sẽ là tổng số điểm mà thí sinh đạt được dựa trên số tiểu mục câu hỏi trả lời đúng. Đối với dạng thức câu hỏi Đúng/Sai và Ghép hợp, mỗi câu hỏi có 4 tiểu mục câu hỏi; trả lời đúng mỗi tiểu mục sẽ được 1,5 điểm. Đối với câu hỏi trả lời ngắn, mỗi câu trả lời đúng được 6 điểm. Tổng điểm mỗi bài thi là 150 điểm.
Ở bài thi này, để đạt điểm tối đa, thí sinh phải trả lời đầy đủ và đúng 85 tiểu mục câu hỏi thi- đây là điểm khác biệt và cũng là ưu điểm của định dạng bài thi V-SAT. Khi mà số lượng các tiểu mục câu hỏi thi rất lớn, điều này sẽ làm hạn chế tối đa việc thí sinh “đánh lụi”, góp phần làm tăng độ tin cậy của Kỳ thi.

5. Sử dụng kết quả thi để xét tuyển

Kết quả thi V-SAT do Đại học Thái Nguyên tổ chức được sử dụng để xét tuyển vào một số trường đại học có sử dụng kết quả như:

Kết quả thi V-SAT do Đại học Thái Nguyên tổ chức được sử dụng để xét tuyển vào một số trường đại học có sử dụng kết quả như:
– Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên
– Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp – Đại học Thái Nguyên
– Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên
– Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
– Học viện Ngân hàng

– Trường Đại học Cần Thơ

– Trường Đại học Văn Lang
– Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh
– Trường Đại học Sài Gòn
– Trường Đại học Tài chính – Marketing thành phố Hồ Chí Minh
– Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh
– Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh

– Trường Đại học Trà Vinh
(Danh sách có thể được bổ sung thêm)